Khi đứng trước lựa chọn mua CPU máy tính, bạn có thể băn khoăn giữa việc chọn CPU với số lượng nhân nhiều hơn hoặc CPU có tần số xung nhịp cao hơn. Để giải đáp thắc mắc này, bài viết này PCMag sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình huống nào cần đến CPU với nhiều nhân và khi nào lại cần đến CPU có xung nhịp cao, giúp bạn đưa ra quyết định mua hàng phù hợp.
Khi nào cần mua CPU nhiều nhân
Hiện nay, hầu hết các bộ vi xử lý máy tính đều được trang bị với nhiều nhân. Mỗi nhân hoạt động như một đơn vị xử lý độc lập trong CPU, có nhiệm vụ nhận dữ liệu, xử lý tính toán và lưu trữ kết quả vào bộ nhớ (Cache hoặc RAM) để hoàn tất một công việc.
Sau khi hoàn thành một nhiệm vụ, CPU sẽ tiếp tục chuyển qua xử lý nhiệm vụ tiếp theo. Điều này có nghĩa là mỗi nhân trong CPU chỉ xử lý một tác vụ tại một thời điểm cụ thể. Đây là lý do chính đằng sau sự phát triển của các CPU đa nhân.
Khi có nhiều nhân, CPU có thể thực hiện nhiều tác vụ một cách đồng thời. Trong thời đại hiện nay, khả năng đa nhiệm trở nên cực kỳ quan trọng do máy tính thường xuyên chạy đồng thời nhiều chương trình nền.
Để hiểu rõ hơn về lợi ích của CPU đa nhân, hãy tưởng tượng bạn đang lập trình, nghe nhạc và đồng thời tải xuống một bộ phim. Nếu CPU chỉ có một nhân, máy tính sẽ khó khăn trong việc xử lý tất cả các tác vụ này cùng lúc. Ngược lại, một CPU đa nhân có thể dễ dàng xử lý các công việc này cùng một lúc.
Nói một cách đơn giản, nếu bạn thường xuyên thực hiện nhiều tác vụ cùng một lúc, thì việc chọn một CPU với số lượng nhân nhiều hơn là lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, điều này cũng cần được cân nhắc dựa trên ngân sách của bạn.
Khi nào cần mua CPU xung nhịp cao
Mỗi một đơn vị xử lý (Core) bên trong một CPU đều có tốc độ xung nhịp (Clock Speed). Tốc độ xung nhịp cho biết số lượng hoạt động mà lõi CPU có thể thực hiện trong một giây.
Các bộ vi xử lý hiện đại có tốc độ xung nhịp dao động từ 1.5 đến 5GHz. Trong quá khứ, máy tính thường chỉ được trang bị CPU đơn nhân hoặc đôi khi là lõi kép, buộc các nhà phát triển phải tối ưu hóa phần mềm của mình để tận dụng tối đa một lõi duy nhất. Điều này có nghĩa là trong trường hợp chỉ cần sử dụng một nhân, tốc độ xung nhịp của nhân đó trở nên quan trọng hơn cả.
Nhiều ứng dụng và phần mềm, được phát triển từ vài năm trước, không khai thác được lợi ích từ việc sử dụng nhiều nhân CPU do chúng được thiết kế để hoạt động trên một nhân duy nhất. Đáng tiếc, hiện tại vẫn có nhiều chương trình, bao gồm cả các trò chơi, vẫn dựa nhiều vào hiệu suất của lõi đơn và hiệu suất này lại liên quan và phụ thuộc đến tốc độ xung nhịp.
Do đó, nếu bạn thường xuyên chơi game hoặc sử dụng các phần mềm chỉ tối ưu cho một lõi CPU, việc lựa chọn một CPU với tốc độ xung nhịp cao sẽ là lựa chọn tốt nhất.
Nhiều nhân và tốc độ xung nhịp cao, lựa chọn cái nào?
Quyết định cuối cùng tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân của bạn. Nếu bạn cần một CPU mạnh mẽ cho công việc chỉnh sửa video, render hình ảnh CAD và thực hiện các tác vụ đa nhiệm, hãy chọn CPU với số lượng nhân nhiều.
Ngược lại, nếu mục tiêu của bạn là chơi game hoặc sử dụng các ứng dụng được thiết kế để tối ưu trên một nhân, một CPU với tốc độ xung nhịp cao sẽ phù hợp hơn với bạn.
Cả Intel và AMD đều cung cấp các bộ vi xử lý mạnh mẽ hiện nay, và đa số CPU từ hai hãng này đã được thiết kế để cân bằng giữa số lượng nhân và tốc độ xung nhịp. Điều này có nghĩa là bạn không cần phải chọn lựa giữa số lượng nhân và tốc độ xung nhịp; bạn có thể có cả hai.
Những câu hỏi thường gặp
Làm thế nào CPU đơn nhân có thể xử lý đa nhiệm?
Trong một hệ thống với CPU đơn nhân, chỉ một tác vụ có thể được xử lý tại một thời điểm. Trong tình huống này, việc quản lý đa nhiệm được thực hiện thông qua việc lập lịch các tác vụ. Tức là một tác vụ sẽ chạy trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó tác vụ tiếp theo sẽ được thực hiện.
Tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển của công nghệ, ngày nay, một CPU đơn nhân cũng có khả năng thực hiện đa nhiệm bằng cách sử dụng kỹ thuật đa luồng. Điều này cho phép một CPU đơn nhân xử lý nhiều tác vụ cùng một lúc bằng cách phân chia các tác vụ thành nhiều luồng và xử lý chúng một cách song song.